Tục bó chân “rùng rợn” ở Trung Quốc gần như trở thành truyền thống của phụ nữ nước này trong thời kỳ trước. Nhiều người cho rằng tập tục này phần nào phản ánh những tư tưởng và định kiến thời xưa ở xã hội Trung Quốc.
Có nhiều giả thuyết về tập tục này. Một trong những giả thuyết thường được trích dẫn nhất là câu chuyện về Triệu Phi Yến, vợ lẽ của vua Hán Thành Đế. Cô quấn dải lụa quanh bàn chân và nhảy múa. Hán Thành Đế ấn tượng với điệu múa bó chân của Triệu Phi Yến đến nỗi ông gọi nó là “Kim Liên Tam Thốn” (Gót Sen Ba Tấc) và ra lệnh cho các phi tần khác làm theo.
Có một câu chuyện tương tự cũng được đề cập trong các tài liệu không chính thức, và nhân vật chính là một cô gái tên là Giang Phi sống ở thời Nam Bắc triều. Mặc dù tên các nhân vật có khác nhau, nhưng các câu chuyện trên đều chỉ ra một điểm chung, tục bó chân bắt nguồn từ các tầng lớp thượng lưu. Việc bó chân sau đó trở nên phổ biến đối với phụ nữ thuộc mọi tầng lớp xã hội ở Trung Quốc và dần trở thành một tập tục.
Đôi bàn chân nhỏ xíu bị bó chặt của phụ nữ Trung Quốc xưa từng là biểu tượng của sắc đẹp và sự quý phái, được biết đến với những cái tên mỹ miều như “gót hoa” hay “gót huệ”. Vào thời đó, đây là tiêu chuẩn mà phụ nữ được đánh giá về vẻ đẹp của họ. Đẹp đồng nghĩa với việc có một cuộc sống tốt đẹp nhất, còn sức khỏe cũng như việc đi đứng với đôi chân biến dạng cũng không phải là yếu tố cần quan tâm.
Để có được “gót sen” hoàn hảo, người mẹ hoặc bà trong gia đình sẽ bắt đầu bó chân cho con gái hoặc cháu gái khi trẻ được 2-5 tuổi, khi xương bàn chân chưa phát triển hoàn thiện.
Đầu tiên, chân của cô gái được ngâm trong nước ấm có pha các loại thảo mộc và máu động vật. Sau đó người bó chân nhẹ nhàng xoa bóp bàn chân, sau đó dùng lực mạnh bẻ quặp các ngón chân xuống, ép vào lòng của bàn chân. Xương vòm bị gãy và toàn bộ bàn chân được bó chặt trong băng vải.
Băng vải bó chân được tháo ra định kỳ để làm sạch và xoa bóp. Tuy nhiên, vào những lần sau, đôi chân của các cô gái sẽ bị bó chặt hơn. Không chỉ vậy, người xưa còn đánh rất mạnh vào lòng bàn chân của bé gái, khiến vỡ nát các xương. Sau khi bị quấn vải lại, cô gái bị buộc phải đi lại trên sàn nhà để bàn chân bị biến dạng nhiều hơn nữa.
Quá trình bó chân thường kéo dài 2 năm, đau đớn đến mức có người nói: “Con gái bị bó chân phải khóc cả xô nước mắt”.
Sau 2 năm, bàn chân sẽ giữ nguyên hình dạng trong suốt quãng đời còn lại. Các biến chứng thường gặp là bàn chân bị phù nề, chảy mủ, thậm chí có thể bị hoại tử do nhiễm trùng.
Người ta nói rằng đôi bàn chân nhỏ nhắn làm cho bước đi của phụ nữ uyển chuyển như lướt trên mặt nước, do đó càng làm tăng thêm vẻ quyến rũ của họ. Dần dần, tục lệ này lan sang nhiều vùng của Trung Quốc, khiến nhiều phụ nữ bị khinh thường vì không có bàn chân bị bó. Đặc biệt hơn, con gái của những gia đình quyền quý không bó chân chỉ có cơ hội gả vào các gia đình giai cấp thấp hơn, còn con gái nhà nghèo dễ bị bán làm nô lệ.
Ngoài ra, người xưa cho rằng tục bó chân còn là cách gắn kết người phụ nữ với gia đình. Nguyên nhân do bó chân gây đau đớn, chị em ít đi lại nên ở nhà chăm chồng con chu đáo hơn.